Nếu mẹ lúng túng khi áp dụng những kiến thức lý thuyết về biếng ăn cho con vào thực tế, hãy lắng nghe những lời khuyên hữu ích từ chuyên gia tâm lý, Bác sĩ Thái Thanh Thủy – Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) và chuyên gia dinh dưỡng – Thạc sĩ, Bác sĩ Đào Thị Yến Phi – Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM).
Muôn hình vạn trạng các kiểu biếng ăn
Mẹ Hải Yến (Q.Tân Bình, Tp.HCM) tâm sự: "Con mình đã quen được ông bà bế đi khắp xóm từ bé nên giờ mình áp dụng biện pháp để bé vào khuôn phép thì bé bỏ ăn!”
Còn mẹ Ngân Hà (Q. Đống Đa, Hà Nội) có nỗi khổ khác: “Con mình thì chỉ chịu ăn những món “độc” như cơm không chan nước tương, mì gói nhưng không chịu ăn thịt cá hay rau củ…”.
Chuyên gia tâm lý Thái Thanh Thủy phân tích: Khi bắt đầu tập đi, trẻ sẽ có xu hướng thích khám phá thế giới bên ngoài thông qua việc sờ, nắm, ngửi…. nên sẽ ăn ít hơn. Vì vậy, ngoài những nguyên nhân bệnh lý đặc biệt, còn thì biếng ăn chủ yếu là biểu hiện tâm lý phổ biến trong quá trình phát triển của trẻ.
Bác sĩ Thái Thanh Thủy – Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM)
Thạc sĩ Yến Phi bổ sung về khía cạnh dinh dưỡng: Khi thấy bé nhà mình ăn ít đi, mẹ khoan vội cho rằng con bị biếng ăn. Mỗi trẻ có nhu cầu dinh dưỡng, ý thích và cách ăn uống hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, quan trọng nhất để xác định trẻ có biếng ăn không phải là dựa vào số lượng thức ăn trẻ ăn được, mà miễn sao chiều cao và cân nặng của trẻ vẫn trong ngưỡng cho phép.
Thạc sĩ, Bác sĩ Đào Thị Yến Phi – Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM)
Cùng con xử trí biếng ăn
Từ phân tích trên, hai chuyên gia tâm lý và dinh dưỡng có chung quan điểm: mấu chốt là mẹ phải làm sao giúp con hào hứng hơn khi ăn và vẫn bảo đảm cung cấp đầy đủ, cân bằng các dưỡng chất trẻ cần.
Chuyên gia tâm lý Thái Thanh Thủy khuyên: mẹ nên kiên nhẫn tập cho bé ăn những món lạ xen kẽ trong các món bình thường. Chẳng hạn: thêm ít bông cải vào món súp bé hay ăn, để ý xem bé thích thú hay nhăn mặt từ chối để thêm món đó vào bữa khác hoặc có cách tiếp cận khác. Hoặc mẹ sáng tạo trò chơi tìm thức ăn được giấu trong các loại hộp khác nhau, đố trẻ và khen con giỏi khi bé thắng cuộc.
Chia sẻ thêm về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé, Thạc sĩ Yến Phi cho biết: mẹ cần nhớ rằng dinh dưỡng không khuyến khích mục tiêu nuôi trẻ “dư dư một chút để dành lỡ sau này trẻ bệnh hay suy dinh dưỡng”. Mẹ phải biết cách tính toán về số bữa ăn, lượng thức ăn mỗi bữa, loại thức ăn tốt cho trẻ. Đặc biệt, nếu cung cấp vi chất không cân đối, thứ thì quá nhiều, loại thì quá ít cũng làm sự phát triển của trẻ bị sai lệch. Ví dụ, nếu thiếu hụt vitamin và khoáng chất sẽ dẫn đến thiếu các men chuyển hóa chất bột đường trong tế bào, khiến chất đường thay vì chuyển thành năng lượng có ích thì lại tích thành mỡ, tăng nguy cơ béo phì trong tương lai.
Ngoài ra, mẹ cần lưu ý một số điểm sau khi chuẩn bị bữa ăn cho bé:
Dùng thực phẩm có cùng dưỡng chất thay thế: thay bông cải bằng cà chua, nấm; thay bí đỏ bằng cà rốt… đối với một số loại rau củ bé không thích.
Cho trẻ ăn riêng các món trong bữa: bày riêng các món ra để giúp phát triển vị giác của bé. Cho bé ăn cơm trước, rồi đến thịt cá, canh rau.
Bổ sung dinh dưỡng đúng cách: Để yên tâm bé được cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu trong quá trình khám phá thế giới thức ăn, cho bé dùng sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, chọn loại có đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng thiết yếu và vi chất mà cơ thể trẻ cần.
Bình luận từ Facebook
Phản hồi