Tư vấn về ung thư

Giỏ hàng 0
  • Chưa có sản phẩm

Tư vấn chung về ung thư


1: Xạ trị và hóa trị trong điều trị ung thư cổ tử cung có thể gây ra những tác dụng phụ nào? Có nghiêm trọng không

TRẢ LỜI:

Ung thư cổ tử cung thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi. Ung thư cổ tử cung được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật và xạ trị. Đôi khi trong một số các trường hợp các bác sĩ phải dùng phương pháp điều trị kết hợp xạ trị và hóa trị đồng thời để tăng thêm hiệu quả điều trị. Trong thời gian điều trị người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như :
- Mệt mỏi vì phải di chuyển hằng ngày đến bệnh viện.
- Đau vùng bụng dưới, tiểu rát buốt, tiêu phân lỏng hoặc tiêu chảy... Những tác dụng phụ này liên quan việc xạ trị vào vùng chậu.
- Buồn nôn, nôn, chán ăn, giảm số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.... Những tác dụng phụ này liên quan đến việc hóa trị.
Mức độ nặng nhẹ của các tác dụng phụ tùy thuộc cơ địa bệnh nhân, giai đoạn bệnh, thể tích và liều lượng xạ trị, sự dung nạp điều trị, v.v.... Những tác dụng phụ này thường chỉ có tính tạm thời và sẽ mất đi trong một thời gian ngắn sau khi kết thúc điều trị. Trong đa số trường hợp, nếu trước khi điều trị người bệnh được tư vấn kỹ về các phương pháp điều trị cũng như các tác dụng phụ có thể xảy ra, thường người bệnh chấp nhận dễ dàng việc điều trị và có cảm giác dễ chịu hơn.
Trong giai đoạn này người bệnh nên sớm thông báo cho bác sĩ điều trị về những tác dụng phụ đã xảy ra đối với mình. Khi đó bác sĩ điều trị sẽ có hướng dẫn cần thiết và những biện pháp xử lý thích hợp. Nếu được phát hiện và xử lý sớm, các tác dụng phụ sẽ được hạn chế ở mức độ thấp nhất và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh. Nhờ đó, việc điều trị không gặp trở ngại và cho kết quả tốt hơn.

2 : Ung thư vú thường xảy ra ở độ tuổi nào? Triệu chứng ra sao?

TRẢ LỜI:

Độ tuổi trung bình của ung thư vú là trên 40, rất hiếm khi gặp ở những phụ nữ trẻ. Phần lớn trường hợp ung thư vú được phát hiện với các triệu chứng:
- Bệnh nhân tự sờ thấy một khối bướu vú không đau
- Hoặc đôi khi chỉ là một mảng cứng, chắc trong vú
- Chảy nước hay tiết dịch ở núm vú
- Hạch nách
- Núm vú thụt vào trong
- Da vú bị nhăn nhúm, co kéo, được ví von như vỏ trái cam sành.
Ung thư vú có thể phát hiện sớm và hoàn toàn có thể chữa khỏi. Nếu phát hiện sớm ung thư vú, cách thức điều trị ít mang tính tàn phá: phẫu thuật cắt rộng bướu, xạ trị vào tuyến vú, đôi khi cần thiết phải hóa trị, điều trị nội tiết.
Để phòng bệnh, các bạn nữ nên chăm chỉ rèn luyện thể dục - thể thao, tránh ăn quá nhiều mỡ động vật, không để bị béo phì, không hút thuốc lá. Để phát hiện sớm, bạn phải tự khám tuyến vú mỗi tháng vào khoảng từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 10 của chu kỳ kinh, nếu có thể nên đi khám vú định kỳ mỗi năm

3 : Ung thư gan nguyên phát đa ổ là gì? Bệnh có thể chữa khỏi được không và chữa bằng cách nào ?

TRẢ LỜI:

Nguyên phát là ung thư xuất phát từ các tế bào gan, đa ổ là có nhiều khối bướu cùng lúc trong gan. Ung thư gan là hậu quả của viêm gan siêu vi B và C. Điều này đã được xác định vào thập niên 1970 - 1980.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, việc chích ngừa viêm gan siêu vi B (chưa có thuốc ngừa viêm gan siêu vi C) bắt buộc cho trẻ sơ sinh đã làm giảm đến 80% tỉ lệ mắc bệnh ung thư gan ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Chiến lược phòng ngừa ung thư gan có thể gói gọn như sau:
- Bắt buộc chích ngừa viêm gan siêu vi B cho trẻ sơ sinh. Hiện tại chương trình tiêm chủng mở rộng đã có chích ngừa miễn phí cho tất cả trẻ sơ sinh.
- Chích ngừa cho những người lớn chưa bị nhiễm siêu vi gây viêm gan B.
- Nếu đã bị nhiễm siêu vi gây viêm gan B hoặc C phải tích cực điều trị, không để chuyển sang tình trạng mạ̃n tính, vì đây là tiền đề cho các tế bào gan bị đột biến và trở thành tế bào ung thư.
Đối với ung thư gan, phẫu thuật cắt một phần gan vẫn là phương pháp điều trị chủ yếu để kéo dài sự sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ giúp ích khi bướu nhỏ hơn 5cm và chỉ có một tổn thương duy nhất. Ở các nước tiên tiến, đôi khi bệnh nhân được phẫu thuật cắt toàn bộ gan và ghép gan nhận từ người khác. Tuy nhiên, đây là phẫu thuật rất phức tạp, chỉ thực hiện được ở những cơ sở chuyên sâu về ghép tạng, tỷ lệ thành công không cao.
Trong trường hợp không thể phẫu thuật, tùy trường hợp cụ thể các bác sĩ có thể chọn lựa một trong những phương pháp điều trị sau:
- Gây tắc mạch kết hợp hóa trị qua đường động mạch: thường được gọi tắt là TOCE (Transarterial Oily Chemo - Embolization). Nguyên lý cơ bản của phương pháp này là qua một ống thông được đưa vào đến tận động mạch nuôi của khối bướu, ta bơm thuốc hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư và bơm một loại chất dầu làm tắc nghẽn mạch máu nuôi của khối bướu. Nếu chỉ có một khối bướu duy nhất trong gan, đây là chỉ định lý tưởng cho phương pháp này. Nếu gặp trường hợp ung thư gan đa ổ, phương pháp này sẽ không thích hợp.
- Phương pháp đốt khối bướu bằng sóng radio cao tần (radiofrequency). Nguyên lý của phương pháp này là cắm một thanh kim loại rất mảnh, gọi là điện cực, xuyên qua da vào gan. Sau đó, sóng radio sẽ được truyền vào gan qua điện cực này và sẽ đốt cháy khối bướu. Cũng như phương pháp TOCE, phương pháp này được ưu tiên chọn lựa trong trường hợp chỉ có một khối bướu duy nhất trong gan.
- Khi có nhiều tổn thương trong gan hoặc khi bệnh đã di căn sang các cơ quan khác như hạch trong ổ bụng, phổi, xương..., các phương pháp điều trị toàn thân sẽ là lựa chọn thích hợp. Hóá trị bằng các thuốc có tác dụng diệt bào có thể làm thuyên giảm triệu chứng bệnh. Gần đây, thuốc Sorafenib cho thấy có hiệu quả điều trị tốt hơn hóá trị và có thể kéo dài thêm thời gian sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, loại thuốc này khá đắt tiền và cũng có khá nhiều tác dụng phụ.
Ung thư gan vẫn là một loại ung thư khó chữa khỏi. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn có thể giúp bệnh nhân có được một "chất lượng sống" tốt sau khi phát hiện bệnh

4 : Xin cho biết thông tin cơ bản về bệnh ung thư hạch. Bệnh có di truyền không và hiện tại đã có văcxin phòng ngừa bệnh này chưa?

TRẢ LỜI:

Hạch là cơ quan phòng vệ của cơ thể. Nó có nhiệm vụ bắt giữ và tiêu diệt sự xâm nhập bất hợp pháp các tác nhân gây bệnh như vi trùng, virus và cả các tế bào ung thư. Hạch ở vùng cổ là các chốt chặn bảo vệ cho toàn bộ vùng đầu - cổ của chúng ta. Do vậy, khi bị viêm họng, viêm xoang, chúng ta sẽ bị nổi hạch cổ. Nếu hạch cổ có kích thước nhỏ hơn 1cm và nằm yên không phát triển, đó có thể là các hạch viêm lành tính. Các hạch ác tính thường phát triển về số lượng cũng như kích thước, thậm chí có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể.
Cần phân biệt rõ ung thư hạch (hay còn gọi là bệnh lymphôm) với hạch cổ do di căn từ các ung thư khác ở vùng đầu - cổ. Cả hai loại này đều không có yếu tố di truyền từ cha mẹ sang cho con cái. Hiện nay, bệnh ung thư hạch chưa có vacxin phòng ngừa. Cách phòng bệnh tốt nhất là tránh những thói quen không tốt có khả năng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư. Các ung thư vùng đầu - cổ ở người lớn thường là hậu quả của việc hút thuốc lá nhiều năm.

5 : Vì sao ung thư buồng trứng được xem là một trong những loại ung thư ác tính nhất?

TRẢ LỜI:

Ung thư buồng trứng thường được xem là "bệnh giết người thầm lặng" vì phần lớn phụ nữ chỉ có triệu chứng khi tế bào ung thư đã lan vào ổ bụng. Những triệu chứng thường gặp nhất bụng to ra, đau nhẹ hay khó chịu ở ổ bụng vùng tiểu khung,  đau lưng, mệt mỏi, v.v..., nhưng các triệu chứng này thường bị bỏ qua vì dễ nhầm với các căn bệnh khác.
Ung thư buồng trứng thường diễn tiến theo 4 giai đoạn: giai đoạn I bệnh mới chỉ giới hạn ở buồng trứng. Giai đoạn II ung thư đã lan xa ra khỏi buồng trứng nhưng còn giới hạn trong tiểu khung (dưới rốn). Giai đoạn III ung thư còn giới hạn trong tiểu khung và ổ bụng (chưa lan tới gan). Giai đoạn IV ung thư đã lan ra ngoài ổ bụng hoặc đã lan tới gan. Đối với những trường hợp ung thư chỉ giới hạn ở buồng trứng (giai đoạn I), hơn 90% bệnh nhân sống hơn 5 năm. Nếu ở giai đoạn III và IV, tỷ lệ sống giảm rõ rệt. Vì vậy, phát hiện sớm là yếu tố then chốt để kéo dài cuộc sống của bệnh nhân.

6 : Trẻ Em Có bị Ung Thư Hay Không?

TRẢ LỜI:

Trẻ em cũng bị ung thư, nhưng ung thư thường ít gặp ở trẻ nhỏ. Tại các quốc gia phát triển có số liệu thống kê đầy đủ, mỗi năm có 120-160 ca ung thư trên 1.000.000 trẻ em dưới 15 tuổi. Khoảng 300-500 người thì có một người bị ung thư trước khi họ được 20 tuổi.
Đối với bất kỳ trẻ nào bị bệnh ung thư, chúng ta gần như không thể xác định vì sao chúng bị ung thư. Tuy nhiên, các con số thống kê cho thấy các chứng bệnh ung thư ở trẻ em có thể liên quan đến khuyết tật di truyền, sự sai lệch trong các nhiễm sắc thể, các khiếm khuyết ở hệ miễn dịch, sự lây nhiễm các loại virus như Epstein-Barr, virus Viêm Gan Siêu Vi B và virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở người, tai nạn phóng xạ, các biện pháp điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, hoặc thậm chí do các biện pháp điều trị chống ung thư khác.

7 : Tôi nên điều trị bệnh ung thư vòm hầu bằng cách xạ trị hay phẫu thuật?

TRẢ LỜI:

Tại Việt Nam, ung thư vòm hầu là loại ung thư rất thường gặp trong vùng đầu - cổ. Đặc biệt hơn nữa, Đông Nam Á là một trong hai vùng dịch tễ của bệnh ung thư vòm hầu (vùng còn lại trên thế giới là Bắc Phi châu). Nếu diễn tiến tự nhiên, bệnh sẽ lan rộng tại chỗ, di căn vào hạch cổ, xâm lấn nền sọ hoặc nội sọ, trễ hơn nữa là di căn đến các cơ quan khác như phổi, gan, xương.
Bệnh nhân thường đến khám bệnh trong các tình huống sau: chảy máu mũi, khạc ra máu, ù tai, đau tai, nổi hạch cổ, nhức nửa bên đầu, lé (lác) mắt. Để dễ nhớ, chúng ta có thể chia thành các nhóm triệu chứng chính:
- Triệu chứng tai - mũi – họng : chảy máu mũi, khạc ra máu, ù tai, đau tai.
- Hạch cổ, thường nằm cao ngay dưới tai hoặc góc hàm.
- Triệu chứng thần kinh : nhức nửa bên đầu, lé (lác) mắt.
Đối với các bác sĩ ung bướu, khi có một bệnh nhân trên 40 tuổi đến khám vì có một trong các triệu chứng kể trên, chúng tôi sẽ đề nghị soi vòm hầu ngay.
Phẫu thuật không có vai trò trong việc điều trị bệnh lý ung thư này vì những lý do sau đây:
- Như đã mô tả ở trên, vòm hầu là vùng cơ thể nằm rất sâu và liên quan nhiều cấu trúc quan trọng của cơ thể. Phẫu thuật thường không thể thực hiện đủ rộng để bảo đảm an toàn về ung bướu học. Nếu như cố gắng phẫu thuật đủ rộng sẽ gây nhiều tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan lân cận.
- Ung thư vòm hầu rất hay di căn vào hạch cổ hai bên, và những khối hạch này nằm rất sâu. Phẫu thuật nạo hạch cũng không thể bảo đảm lấy hết các hạch di căn.
- Loại tế bào thường gặp trong ung thư vòm hầu rất nhạy với xạ trị (đáp ứng rất tốt với xạ trị).
Phương pháp điều trị chủ yếu và có thể nói duy nhất hiện nay với ung thư vòm hầu là xạ trị. Trong một số trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ kết hợp xạ trị với hóa trị để tăng thêm hiệu quả. Thời gian sống thêm của bệnh nhân tùy thuộc giai đoạn bệnh khi phát hiện. Nếu phát hiện càng sớm, cơ may khỏi bệnh càng cao. Nên kết hợp uống kèm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh.

8 : Cho tôi hỏi cách điều trị ung thư vú như thế nào

Hỏi: Xin hỏi là mẹ em bị ung thư vú giai đoạn 3,đã phẫu thuật và hóa trị đợt 1,thì khả năng chữa khỏi bệnh là bao nhiêu phần trăm,cần phải điều trị bao nhiêu đợt hóa trị nữa,chế độ ăn uống cần phải bổ sung gì? Mong sự giải đáp của mọi người!

TRẢ LỜI:

Chào bạn, mẹ bạn đang bị ung thư vú giai đoạn 3. Sau khi phẫu thuật và hóa trị thường xuất hiện những phản ứng phụ như : rụng tóc , buồn , suy nhược cơ thể. Ngoài việc tuân theo các phương pháp trị cần phối hợp thêm nhiều biện pháp khác để giúp cơ thể củng cố hệ miễn dịch và khả năng chống lại bệnh tật. Uống bổ sung các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.

 

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác